Header Ads

Những cạm bẫy trên thị trường tiền ảo

Thị trường tiền ảo được giới mộ điệu tôn xùng như mỏ vàng mà ở đó người ta có thể làm giàu nhanh chóng, không cần nhiều vốn cũng tạo ra được tiền tỷ hoặc trở thành triệu phú đô la chỉ sau một đêm. Nhưng liệu có thực sự là như vậy?

Khi ghé thăm các trang web dự án tiền điện tử, không khó thấy dòng quảng cáo về khả năng bảo mật tối ưu nhờ phát triển với công nghệ blockchain. Nhưng trên thực tế, thị trường tiền điện tử lại là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo trục lợi.

Theo báo cáo bảo mật Web3 của Certik, 2022 được coi là năm kỷ lục về giá trị tài sản ảo thất thoát trên nền tảng Web3. Cụ thể, tổn thất tiền điện tử do các vụ tấn công mạng và lừa đảo trong năm ngoái là 3,7 tỷ USD, tăng 189% so với năm 2021.

Do đó, các nhà đầu tư cần nắm rõ những dấu hiệu nhận biết để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, dẫn đến tiền mất tật mang.

Lừa đảo Bitcoin

Bitcoin luôn được coi là biểu tượng của thị trường tiền điện tử nhờ vốn hóa lớn và lịch sử phát triển lâu đời. Ngay cả một số công ty tài chính truyền thống như PayPal đã cho phép sử dụng Bitcoin như một hình thức thanh toán. Vì vậy, việc nhiều nhà đầu tư mới cảm thấy an toàn khi giao dịch với Bitcoin và coi nó như điểm khởi đầu cũng hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy nhiên, lừa đảo Bitcoin cũng là cạm bẫy phổ biến. Thông qua hòm thư điện tử, thủ phạm thường mạo danh các tổ chức gửi email với nội dung thuyết phục nạn nhân tiết lộ địa chỉ và mật khẩu ví, hoặc lừa họ gửi Bitcoin tới địa chỉ ví khác.

Để không dính bẫy, nhà đầu tư cần điểm tra kỹ địa chỉ email của người gửi và đảm bảo đường dẫn liên kết được gửi tới là hợp pháp. Thông thường, kẻ lừa đảo sẽ gửi các đường dẫn gần giống với trang web thật. Ví dụ, “Gogle.com” thay vì “Google.com” hoặc “Coinbase.co” thay vì “Coinbase.com”.

Ngoài ra, một thói quen tốt để chắc chắn không nhấn vào các đường dẫn độc hại là đánh dấu trang web hay dùng trên trình duyệt và chỉ sử dụng dấu trang để truy cập các trang web đó.

Lừa đảo NFT

Trong khi một số nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường này bắt đầu với Bitcoin, số khác lại chọn gửi gắm niềm tin vào NFT (Token không thể thay thế). Đặc biệt ở thời điểm xu hướng NFT lên ngôi đầu năm 2021, nhiều người đã tìm cách sở hữu loại hình tài sản ảo này thông qua các nền tảng sưu tầm như NBA Top Shot hay sàn giao dịch như OpenSea.

Khi một dự án NFT như Bored Ape Yacht Club bắt đầu tăng giá, những kẻ lừa đảo sẽ nhắm đến những người nhà đầu tư muốn có NFT này. Sau đó, chúng sẽ bắt chước để tạo ra những bản sao giống hệt tác phẩm gốc, thậm chí là nhân bản cả dự án.

Đôi khi vẫn xuất hiện NFT của dự án “blue chip” niêm yết trên các sàn giao dịch với giá hời. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng nếu thấy NFT rao bán với giá thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung vì rất có thể nó là hàng giả.

Hầu hết sàn giao dịch NFT uy tín như OpenSea có cách riêng để xác minh nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số hoặc bộ sưu tập bằng dấu tích xanh trên trang danh sách. Để chắc chắn, nhà đầu tư cũng nên tự kiểm tra lại lịch sử giao dịch của chính NFT đó.

Lừa đảo qua mạng xã hội

Lừa đảo qua mạng xã hội cũng là một trong những chiêu trò phổ biến, đặc biệt qua Instagram và Twitter. Theo báo của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), gần 50% số người dính vào vụ lừa đảo tiền điện tử kể từ năm 2021 bắt nguồn từ quảng cáo, bài đăng hoặc tin nhắn trên mạng xã hội.

Thực tế, mạng xã hội đầy rẫy chiêu trò gian lận, từ việc dụ dỗ người dùng làm theo hướng dẫn để nhận quà đến tạo lòng tin bằng cách sử dụng tài khoản gắn tích xanh. Kể từ khi Elon Musk mua lại Twitter, tích xanh không còn là dấu hiệu đảm bảo vì bất cứ ai chấp nhận trả 8 USD mỗi tháng đều có thể sở hữu nó.

Vì vậy, trước khi làm theo lời khuyên hay tư vấn đầu tư từ các “chuyên gia” trên mạng xã hội, hãy rà soát thời gian hoạt động, số người theo dõi và bài đăng khác của họ. Một tài khoản mới với ít lượt tương tác có thể thuộc sở hữu của chuyên gia “lùa gà”, lập ra nhằm lôi kéo nhà đầu tư rót vốn vào các dự án không đáng tin cậy.

Mô hình đa cấp (Ponzi)

Khi đã quen với thị trường tiền điện tử, nhà đầu tư sẽ không lạ lẫm gì mô hình đa cấp (Ponzi). Thậm chí, Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, từng công khai chỉ trích cả thị trường tiền điện tử là “kế hoạch Ponzi phi tập trung” vào năm ngoái.

Thông thường, các dự án sẽ lôi kéo thêm người tham gia bằng cách cấp cho mỗi tài khoản một mã giới thiệu. Nhà đầu tư sẽ được chia hoa hồng khổng lồ chỉ với việc mời người nhà, bạn bè sử dụng mã giới thiệu đó để đăng ký tài khoản mới.

Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết dự án hoạt động dựa trên mô hình Ponzi là việc đảm bảo tỷ suất lợi nhuận đến hai chữ số, một lời hứa chẳng khoản đầu tư hợp pháp nào có thể đạt được.

Rõ ràng, tất cả khoản đầu tư tài chính đều tiềm ẩn yếu tố rủi ro và giá trị tiền điện tử luôn dễ bay hơi hơn tài sản truyền thống. Nếu ai đó hứa hẹn giúp nhà đầu tư giàu lên nhanh chóng mà chẳng phải làm gì, gần như chắc chắn đó là chiêu trò lừa đảo.

Rút thảm (Rug pull)

Lừa đảo rút thảm là một trong những cạm bẫy mà những nhà đầu tư vào dự án tài chính phi tập trung (DeFi) hay NFT dễ vướng phải. Dựa trên ưu điểm cốt lõi là giao dịch ẩn danh và bỏ qua trung gian, thị trường tiền điện tử trở thành môi trường hoàn hảo cho kẻ lừa đảo trục lợi.

Với công nghệ hiện nay, những kẻ lừa đảo có thể tạo ra token riêng nhanh chóng, tạo trang web quảng cáo và đưa lên giao dịch trên các sàn phi tập trung (DEX) như UniSwap, PancakeSwap… mà không cần qua bất kỳ hình thức kiểm duyệt nào. Theo dữ liệu từ Solidus Labs, hơn 117.000 token lừa đảo được bán ra, đánh cắp hàng tỷ USD chỉ riêng trong năm ngoái.

Mô hình lừa đảo này chủ yếu đánh vào lòng tham của nhà đầu tư do các token mới niêm yết thường tăng giá nhanh, tạo ra tâm lý sợ bị bỏ lỡ (FOMO) trong cộng đồng. Một số nhà đầu tư còn có thói quen sử dụng bộ lọc để tìm token mới tiềm năng mà không cần nghiên cứu tài liệu dự án. Chủ các dự án kiểu này sẽ lập tức bán tháo để chốt lời khi cảm thấy giá token đạt tới đỉnh điểm, để lại cho người nắm giữ những đồng tiền số vô giá trị.

Trên thị trường NFT, những kẻ lừa đảo có thể đạo nhái những bộ sưu tập NFT nổi tiếng để gài bẫy người mua. Nổi tiếng nhất là vụ lừa đảo Mutant Ape Yacht Club hứa hẹn cho nhà đầu tư phần thưởng lớn cùng nhiều đặc quyền khác, trước khi "bốc hơi" với số tài sản ảo trị giá gần 3 triệu USD.

Giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn điều này xảy ra là đánh giá kỹ trước khi gửi tiền vào bất kỳ dự án mới nào thông qua việc xem lộ trình, nghiên cứu sách trắng, kiểm tra thông tin về nhà sáng lập và sử dụng công cụ phân tích dữ liệu on-chain.

Lừa tình cảm

Dù không trực tiếp liên quan, những vụ lừa tình cảm xuất hiện ngày càng nhiều kể từ khi thị trường tiền điện tử phát triển, lấy đi của các nạn nhân 185 triệu USD thông qua các tài sản ảo.

Thủ phạm thường lập tài khoản trên các nền tảng chat, hẹn hò hoặc mạng xã hội để săn đón nạn nhân. Khi mục tiêu “cắn câu”, chúng sẽ dụ dỗ chuyển Bitcoin tới địa chỉ ví ẩn danh hoặc thuyết phục họ đầu tư vào dự án tiền điện tử mới.

Một số kẻ lừa đảo tinh vi còn tạo ra trang web giả mạo, thôi thúc nạn nhân tạo tài khoản. Sau đó, chúng có thể gửi cho họ token giả như phần thưởng và tiếp tục thuyết phục trong vòng nhiều tuần đến khi nạn nhân sẵn sàng đặt cược khoản tiền lớn. Sau khi đã thu lời, thủ phạm sẽ chủ động cắt đứt liên lạc để theo đuổi những "con mồi" mới.

Dưới đây là một số vụ việc điển hình về tình trạng lừa đảo trên thị trường tiền ảo đã xảy ra trong thời gian qua.

Bitconnect: Vụ lừa đảo thế kỷ

Có một thực tế rằng hầu hết các đồng tiền ảo đều không tuân theo bất kỳ một quy định hay luật pháp nào, bên cạnh đó cũng không có tổ chức nào chịu trách nhiệm về việc định ra giá trị do đó việc đầu tư có thể mang lại lợi nhuận lớn nhưng rủi ro thì cũng tương ứng. Câu chuyện kinh điển trong giới tiền ảo của sàn giao dịch BitConnect thuộc công ty Bitconnect LTD từng có giá trị vốn hóa hơn 2 tỷ USD chính là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.

Cụ thể, ngay từ năm 2017, BitConnect đã đưa ra lời hứa hẹn lợi nhuận cao lên tới 40% từ các chương trình cho vay lấy lãi của họ cùng với yêu cầu người dùng phải gửi Bitcoin cho công ty. Đồng Bitcoin sau đó được chuyển đổi thành một đơn vị khác, có tên gọi là BitConnect Coin (BCC) và được quản lý bởi BitConnect. Đồng thời, NĐT sẽ kiếm được nhiều tiền hơn sau khi "mời gọi" những người khác đăng ký. Đáng chú ý, BitConnect Coin được coi là một trong những đồng tiền ảo thành công nhất trong lịch sử với giá trị tăng hơn gấp 3.000 lần chỉ trong vòng một năm.

Tuy nhiên tới ngày 17/1/2018, website của BitConnect sau đó liên tục báo bảo trì, nâng cấp hệ thống cùng với đó là thông báo ngừng hoạt động cho vay tiền ảo. Trước đó, ngày 4/1, Ủy Ban Chứng khoán Texas đã đưa ra lệnh ngừng khẩn cấp với BitConnect đồng thời đưa ra tuyên bố công ty này đang tham gia vào các thương vụ đầu tư gian lận và lừa đảo.

Ngay sau thời điểm trên, đồng BitConnect Coin đã lao dốc chóng mặt, từ mức khoảng hơn 400 USD xuống còn dưới 15 USD, điều này cũng đồng nghĩa với việc tiền đầu tư của NĐT đã bốc hơi ngoài tầm kiểm soát. Đây được xem là cú sốc lớn nhất với thị trường tiền ảo từ trước tới nay với tổng thiệt hại ước tính khoảng 1,5 tỷ USD.

Tại Việt Nam, nhiều NĐT cũng là nạn nhân của BitConnect Coin, bởi khi đó đây là đồng tiền ảo hot nhất trên thị trường với lượng người tham gia lớn, ước tính các hội nhóm tham gia đầu tư đồng tiền này trên mạng xã hội trung bình đều có khoảng 50.000 thành viên hoạt động.

Ifan: 32.000 nạn nhân sập bẫy

Vào giai đoạn 2017 - 2018, iFan là một trong những đồng tiền ảo nổi bật nhất tại Việt Nam, không chỉ về tốc độ phát triển chóng mặt mà còn cả về quy mô của "cú lừa" mà nó mang lại. Tại thời điểm đó, theo tố cáo của NĐT đến cơ quan chức năng, Công ty CP Modern Tech - đơn vị phát triển iFan tại Việt Nam - đã lừa hơn 32.000 nhà đầu tư, qua đó chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng.

Đến tháng 5/2018, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an) phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03, Công an TP Hồ Chí Minh) đã tiến hành điều tra vụ việc trên và có những kết luận chỉ ra rằng có dấu hiệu lừa đảo qua hình thức huy động vốn đa cấp, lấy tiền người mua tiền ảo sau trả cho người mua trước với tỷ lệ lãi suất cao nhằm thu hút nhiều NĐT tham gia. Sau khi huy động được lượng tiền lớn thì giải thể công ty để chiếm đoạt.

Cụ thể, đồng iFan được gắn mác là dự án đến từ Công ty iFan PTE.LTD có trụ sở ở Singapore, phát hành dưới dạng mã hóa token, thông qua trang web https://ifan.io/, có máy chủ đặt ở nước ngoài. Công ty ngoại quốc trên đã ủy quyền cho Modern Tech làm đại diện cho iFan tại Việt Nam. Sau đó, Modern Tech đã tổ chức hàng loạt sự kiện tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm huy động vốn với cam kết khi tham gia quỹ tiền ảo, NĐT sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống NĐT sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.

Sau một thời gian lừa đảo nhằm thu hút NĐT, tới tháng 1/2018 thì dự án iFan tuyên bố ngừng hoạt động. Tất cả tiền của NĐT được trả về bằng đồng iFan, giá 5 USD/iFan. Theo cơ quan công an, đồng iFan không có giá trị, NĐT không thể bán được đồng tiền này. Làm việc với cơ quan chức năng, các NĐT đều cho biết hoạt động mua bán iFan không có bất cứ hợp đồng đầu tư hay mua bán nào bởi mọi giao dịch tiền bạc đều trên sàn quốc tế.

Đến thời điểm tháng 5/2018, PC03 đã nhận được 145 đơn tố cáo liên quan đến hoạt động đầu tư đồng iFan với tổng thiệt hại là 90 tỷ đồng. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, nhiều khả năng số nạn nhân cùng số tiền thiệt hại còn cao hơn nhiều lần con số trên.

WinCoin: Huy động vốn kiểu đa cấp

Vào tháng 7/2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã đưa ra cảnh báo về một nhóm các đối tượng người Việt Nam có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép thông qua website Winsbank.io. Hệ thống này có dấu hiệu sử dụng tiền ảo làm phương tiện huy động vốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, thanh toán bất hợp pháp.

Theo đó, để thu hút NĐT, Winsbank đã đưa ra rất nhiều lời “hứa hẹn” về tương lai của đồng tiền ảo WinCoin và giá cổ phiếu ESR. Cụ thể, hệ thống Winsbank “hứa hẹn” với nhà đầu tư sẽ có lãi suất cố định từ 2% đến 12%/năm, sau khi tham gia vào hệ thống bằng cách mua đồng tiền ảo WinCoin, với 13 gói đầu tư WinCoin có giá trị từ 100 Win đến 100.000 Win (tương đương từ 100 USD đến 1 triệu USD) hoặc tham gia mua cổ phiếu ESR với 16 gói do Winsbank đưa ra từ 100 USD đến 1 triệu USD.

Ngoài việc được hứa hẹn nhận lãi suất tĩnh khi đầu tư Wincoin hoặc lợi nhuận từ việc tăng giá của cổ phiếu ESR thì nhà đầu tư còn có thể nhận thêm lợi nhuận khi tham gia giới thiệu thành viên mới đầu tư vào hệ thống của WinsBank theo mô hình kinh doanh đa cấp và sẽ được trả thưởng đến 10 tầng.

Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, hệ thống trên do một nhóm đối tượng tại Việt Nam tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam. Bản chất Winsbank không có hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.

Do vậy người dân cần nâng cao cảnh giác, ai đã tham gia đầu tư vào hệ thống Winsbank có thể đến cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để trình báo, cung cấp thông tin.

USDT: Giăng bẫy với lãi suất 600%/năm

Trong năm 2020, USDT của ngân hàng ảo tự xưng Etop Bank là một trong những đồng tiền số nhận được nhiều sự quan tâm nhất trên thị trường với lời hứa hẹn "không tưởng" dạng nếu tham gia NĐT sẽ nhanh chóng trở thành triệu phú USD.

Theo đó, NĐT chỉ cần gửi tiền thật để mua tiền ảo USDT với các gói từ 200 USD - 10.000 USD, theo các kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 năm. Lãi suất được trả theo các kỳ hạn gửi, từ 30 - 50%/tháng tương đương 600%/năm, cao gấp gần 100 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng trong nước. Sau kỳ hạn gửi, người chơi sẽ được rút toàn bộ tiền gốc. Lãi suất cao nhất là kỳ hạn 3 năm, nếu người tham gia gửi 1 tỷ đồng, mỗi tháng sẽ nhận lãi 500 triệu đồng.

Ước tính sơ bộ, chỉ trong một thời gian ngắn đi vào hoạt động, dự án này đã thu hút được hàng nghìn người tham gia. Nhiều nhất là các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hưng Yên... Đáng lưu ý, đa số NĐT là đi vay để tham gia, người ít thì vài chục triệu, người nhiều đến tiền tỷ.

Tuy nhiên, cũng chỉ ít lâu sau, Etop Bank đột ngột dừng hoạt động, các nhà môi giới trước đây từng tích cực dụ dỗ NĐT tham gia cũng bỗng nhiên biến mất. Điều này cũng đồng nghĩa với số tiền mà NĐT bỏ ra cho USDT cũng một đi không trở lại.

Được biết, tháng 11/2020, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một sàn tiền ảo lừa đảo có tên Tradenew.io do một nhóm người Việt Nam điều hành, sàn này chủ yếu dùng đồng USDT để giao dịch. Theo cơ quan Công an hiện tổng số tài khoản user đăng ký trên sàn Tradenew.io là 3.626 tài khoản với tổng số lượng tiền ảo USDT tương đương 1.089 tỷ đồng.

Nguồn: ThiTruongTienAo.com

Được tạo bởi Blogger.